Giá Atisô tăng cao nhưng người nông dân vẫn thở dài ngao ngán vì dịch bệnh Atisô mất năng suất nghiêm trọng.
Năng suất Atiso giảm mạnh khiến giá thu mua tại Đà Lạt đang tăng cao kỷ lục. |
Nhắc đến Atisô - loại cây dược liệu quý và là thực phẩm có nguồn gốc từ châu Âu, thì người ta thường nghĩ ngay đến địa danh Đà Lạt. Các vườn đặc sản Atisô này nối dài từ Sào Nam, Tây Hồ (phường 11) vào đến Thái Phiên (phường 12), được thành phố quy hoạch thành vùng chuyên canh Atisô lớn nhất Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đến phường 12, TP Đà Lạt, được coi là thủ phủ Atisô của Đà Lạt (chiếm 80% diện tích), những ngày này buôn bán sôi động nhất, đa số nhà nông vừa mới thu hoạch và đang bán ra với đủ loại thân, rễ, lá, bông ở dạng khô. Một mùa Atisô giá tăng cao kỷ lục nhưng không khiến nông dân vui mừng. Bởi cách đây vài tháng, gần 40% diện tích trồng Atisô tại các vùng chuyên canh ở khu vực Sào Nam, Tây Hồ (P.11) và Thái Phiên (P.12, TP Đà Lạt) đã bị chết.
Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch hội nông dân phường 12, cho biết, những cơn mưa kéo dài cách đây vài tháng đã khiến cho hàng chục ha Atisô của nông dân trong phường bị chết, mất năng suất nghiêm trọng. Vậy nên, nay giá Atisô tăng chóng mặt càng làm người dân nuối tiếc và những người có Atisô để bán chỉ tính trên đầu ngón tay!
Theo ông Dinh, trên mỗi ha trồng Atisô, một năm nông dân thu về khoảng 15 tấn khô các loại (lá, hoa, thân và rễ), bán được 800 triệu đồng, tức cao hơn với trồng hoa công nghệ cao trong nhà kính.
Đang trong thời điểm nghịch vụ nên giá hoa Atisô ngoài chợ tăng chóng mặt, từ 80.000đ lên đến 140.000đ/kg tươi. Còn các sản phẩm như lá khô giá 25.000đ/kg, rễ khô 200.000đ/kg, thân khô 150.000đ/kg, hoa khô trên dưới 450.000đ/kg.
Nông dân Đà Lạt khẩn trương xuống giống vụ Atisô mới đầy hứa hẹn về giá cả. |
Để cùng phát triển và tìm nguồn ra ổn định thị trường cho cây Atisô, phường 12 vừa thành lập 2 tổ hợp tác Atisô với 74 hộ tham gia. Theo đó, các hộ tham gia tổ hợp tác cùng hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật trồng và bảo quản Atisô sau thu hoạch. Hiện tại, 2 tổ hợp tác đang cung cấp ổn định nguồn lá Atisô tươi cho 2 đơn vị chính là Cty Dược Lâm Đồng Ladophar và Cty trà Ngọc Duy.
Ông Dinh cũng cho biết thêm, trước những hiệu quả bước đầu mà 2 tổ hợp tác đem lại, phường sẽ khuyến khích các hộ trồng Atisô cùng tham gia tổ hợp tác, từng bước tạo dựng đầu ra cũng như phát triển bền vững diện tích.
Ông Lê Ngọc Trụ, Phó Giám đốc Cty trà Ngọc Duy cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng các sản phẩm trà Atisô trên thị trường rất lớn. Ước tính, mỗi năm thị trường tiêu thụ khoảng 4.000 tấn trà Atisô khô, trong đó hơn 80% sản lượng được tiêu thụ trong nước.
Trước việc sụt giảm nghiêm trọng sản lượng Atisô từ 30 - 40% so với mọi năm, các doanh nghiệp thu mua, chế biến trà Atisô trên địa bàn thành phố Đà Lạt đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu để kịp đáp ứng cho các đơn hàng đã ký. Với diện tích trồng Atisô toàn thành phố không có biến động lớn, ước đạt 120 ha như hiện nay, cùng với nhu cầu của thị trường thì dự báo Atisô sẽ còn giữ được giá rất cao trong thời gian tới.